Nghĩa khí cách mạng Châu_Văn_Sanh

Năm 1928, Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên được thành lập vào tại Ngã Tư Long Hồ. Ngày 1 tháng 5 năm 1929, các thành viên của chi hội đã cho xuất bản tờ báo "Công– Nông– Binh" nhằm truyền bá chủ nghĩa Cộng sản đến với dân chúng địa phương. Một thành viên của chi hội là Nguyễn Văn Đại đã từng có những tiếp xúc và giới thiệu về Chủ nghĩa Cộng sản và tư tưởng dân tộc cho công tử Bảy Lời nhằm vận động một Mạnh thường quân cho tổ chức. Với nhiệt tình yêu nước, ông tích cực tham gia viết bài cho báo "Công– Nông– Binh".

Không chỉ thế, ông còn tích cực tham gia hoạt động đấu tranh. Tài liệu "Lịch sử tỉnh Vĩnh Long" ghi nhận:

"Ngày 2/6/1930, khoảng 2.000 người gồm nông dân, tiểu thương, học sinh, thợ thủ công… từ Châu Thành, Tam Bình, Vũng Liêm kéo về ngã tư Long Hồ, sắp thành đội ngũ, giương cao biểu ngữ "Tinh thần ngày Quốc tế Lao động 1-5 muôn năm!", "Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!", "Đả đảo đế quốc Pháp và quan làng tay sai!", "Giảm thuế cho dân nghèo!".Ông Châu Văn Sanh (Công tử Lời) là người dẫn đầu đoàn biểu tình kéo về tỉnh lỵ Vĩnh Long trong tiếng hô vang, tiếng tù và, tiếng mõ inh ỏi. Khi đoàn biểu tình đến Văn Thánh miếu (nay thuộc phường 4, TP Vĩnh Long), cách dinh chủ tỉnh Vĩnh Long khoảng 2 cây số thì bị lính Pháp và lính người Việt chặn đường.Theo lệnh của quan chủ tỉnh Vĩnh Long, đám binh lính thẳng tay nổ súng vào đoàn người biểu tình làm 8 người chết tại trận, 60 người khác bị thương. Công tử Bảy Lời Châu Văn Sanh bị bắt tại trận và bị giặc và đưa về giam giữ".
— "Lịch sử tỉnh Vĩnh Long", Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia

Sau lần bị bắt đầu tiên này, nhờ có vợ lo lót giúp, ông chỉ bị giam 2 tháng. Sau khi ra tù, ông tiếp tục hoạt động cách mạng và bị bắt lại vào giữa năm 1931. Ông bị chính quyền thực dân Pháp giam giữ tại Khám lớn Sài Gòn cùng với một số lãnh đạo Cộng sản khác như Trần Phú, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Tây, Ngô Văn Chính... Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Nhung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, bạn tù ông lúc bấy giờ, thì ông là người có mặt lúc Tổng bí thư Trần Phú qua đời.

Đầu năm 1932, ông được tha với lý do mắc bệnh tâm thần. Ông trở về xã Nhơn Phú (thuộc huyện Mang Thít ngày nay), tiếp tục viết báo và nuôi chứa một số cán bộ Cộng sản quan trọng. Ông cũng cho lập một thư viện riêng tại nhà để các bạn bè có thể tra cứu.

Hoạt động một thời gian thì ông lại bị bắt lần thứ ba vào ngày 3 tháng 7 năm 1934 vì tội làm quốc sự. Tòa án thực dân kêu án ông 10 năm tù giam và 10 năm đày biệt xứ. Tuy nhiên, do được vợ chạy án, ông lại được tha.

Trong giai đoạn Mặt trận Bình dân lên cầm quyền bên Pháp, hoạt động báo chí ở các thuộc địa được cởi mở hơn, ông mở hẳn một hiệu sách ở tỉnh lỵ Cần Thơ lấy tên là "Đời Mới" chuyên bán các sách tiến bộ, sách nghiên cứu về chủ nghĩa Mác- Lênin. Ông cũng giao du với nhiều nhà cách mạng có tiếng thời bấy giờ như Nguyễn An Ninh, Châu Văn Liêm, Tạ Uyên, Nguyễn Thị Nhỏ

Năm 1939, Mặt trận Bình dân sụp đổ, thực dân Pháp đóng cửa hiệu sách. Khi ông thuê xe chở sách về quê nhà chợ Cái Nhum, đến Ngã tư Long Hồ thì bị chính quyền thực dân chặn bắt quả tang trên xe có chở nhiều sách cấm và tài liệu tuyên truyền Cộng sản. Ngày 20 tháng 7 năm 1940, ông bị tòa án Sài Gòn kết tội "vận động lực lượng bất hợp pháp để lật đổ chính quyền" với bản án 5 năm tù và 10 năm biệt xứ.